Du Học Canada Ngành Điều Dưỡng Và Thi Lấy Chứng Chỉ Hành Nghề
Canada là một trong những quốc gia có hệ thống y tế phát triển nhất thế giới hiện nay, tuy nhiên nguồn nhân lực của ngành này, đặc biệt là vị trí y tá điều dưỡng lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Đó là vấn đề “nhức đầu” nhiều năm của Chính phủ Canada và là cơ hội việc làm lẫn định cư cực tốt cho những sinh viên đang có ý định du học Canada ngành điều dưỡng.
Vậy bạn cần gì để có thuận lợi đến đất Canada với thư nhập học ngành điều dưỡng? Hãy để Trang chia sẻ cho bạn mọi thông tin quan trọng trước khi xách vali lên đường nhé.
Nội Dung Chính
Du học Canada ngành điều dưỡng cần học những gì?
Mục đích cuối cùng của việc du học Canada ngành y tá điều dưỡng là trang bị cho bạn một hành trang kiến thức y tế và thực hành vững chắc để trở thành một điều dưỡng viên lành nghề, hoàn thành tốt vai trò của mình:
- Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, theo dõi chu đáo tình trạng của bệnh nhân;
- Đảm bảo những nhu cầu của người bệnh được đáp ứng kịp thời và đầy đủ;
- Tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân đương đầu với những trở ngại tâm lý và những vấn đề khác;
- Giao tiếp với bệnh nhân thông qua những hành động và cảm xúc tích cực;
- Đóng vai trò trợ tá của bác sĩ điều trị chính.
Bạn có thể du học ngành điều dưỡng tại Canada theo hình thức Cao đẳng (2 năm) hoặc Đại học (4 năm). Nếu thật sự muốn đi theo con đường Điều dưỡng viên và có đủ khả năng tài chính, Trang khuyên bạn nên chọn chương trình 4 năm tại các trường Đại học uy tín, chẳng hạn trường Đại học Alberta hay Đại học Ottawa.
Lợi ích thiết thực của chương trình Đại học nằm ở cơ hội thăng tiến lên vị trí quản lý, đồng thời bạn biết bản thân mình muốn tập trung phát triển mảng nào của ngành Điều dưỡng: Ung thư, chăm sóc người già, chăm sóc bệnh nhi…
Còn nếu nguồn tài chính hiện tại không được dư dả, bạn nên du học ngành điều dưỡng tại Canada theo chương trình Cao đẳng, sau khi ra trường bạn vẫn có thể học lên để bổ sung kiến thức chuyên môn của mình.
Thông thường, các sinh viên quốc tế phải học khóa Pre-Health trong thời gian 8 tháng, khoảng 2 kì học để củng cố kiến thức căn bản trước khi chuyển tiếp lên chương trình chuyên ngành.
Học ngành điều dưỡng ra làm gì?
Có thể nói rằng, cơ hội việc làm của ngành điều dưỡng ở Canada cực kỳ đa dạng. Nên sau khi hoàn thành chương trình học, bạn có thể làm việc tại những môi trường sau đây:
- Bệnh viện tư nhân hoặc nhà nước;
- Phòng khám hoặc trung tâm sức khỏe cộng đồng;
- Bộ phận Y tế của các doanh nghiệp, công ty;
- Phòng chăm sóc sức khỏe học đường của các trường học;
- Các tổ chức phi chính phủ;
- Điều dưỡng viên gia đình;…
Cơ hội việc làm khi du học Canada ngành y tá điều dưỡng
1. Triển vọng nghề nghiệp
Theo một báo cáo từ trang Trade School, hệ thống y tế Canada đang khát nhân lực đối với vị trí điều dưỡng viên. Điều này xuất phát từ thực tiễn dân số Canada ngày càng già hóa trong khi nhu cầu được chăm sóc của mọi người ngày càng cao. Dự báo đến năm 2020, Canada sẽ cần khoảng 66,000 điều dưỡng viên mới!
Tuy là một ngành học khó và mang tính đặc thù cao, chỉ cần bạn quyết tâm học hết mình, nhẫn nại thực hành khi du học Canada ngành y tá điều dưỡng, Trang tin chắc chắn rằng, con đường việc làm của bạn sẽ mở rộng thênh thang. Chưa kể, việc xin định cư dài hạn hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn.
2. Mức lương ngành y tá điều dưỡng
Số liệu mới nhất từ Neuvoo cho thấy khoảng lương của vị trí điều dưỡng viên dao động từ $41,396 – $128,657 CAD/năm (tương đương 716 triệu – 2,2 tỷ đồng), đã bao gồm tiền lương cơ bản, tiền thưởng cũng như hoa hồng. Trong đó, $41,396 CAD là mức lương khởi điểm cho một sinh viên du học Canada ngành điều dưỡng mới tốt nghiệp.
Có một lưu ý nho nhỏ ở đây là mức lương này không giống nhau giữa các tỉnh bang và thay đổi dựa trên kinh nghiệm, kỹ năng của cá nhân bạn.
Cần làm gì để được cấp phép hành nghề điều dưỡng?
Để có được chứng chỉ hành nghề điều dưỡng tại Canada, bạn phải trải qua một hành trình với tuần tự 3 bước như dưới đây:
1. Đăng ký tại Hiệp hội điều dưỡng của tỉnh bang
Tùy theo tỉnh bang bạn muốn làm việc sẽ có các điều kiện khác nhau dành cho vị trí điều dưỡng viên, các Hiệp hội của mỗi nơi sẽ chịu trách nhiệm đánh giá liệu bạn có đủ điều kiện để làm điều dưỡng viên hay không.
Đầu tiên, Hiệp hội sẽ đánh giá chứng nhận học tập của bạn có đạt không và nếu vượt qua vòng này, hồ sơ của bạn sẽ tiếp tục được xem xét trên các tiêu chí như kinh nghiệm làm việc, thái độ làm việc, khả năng ngoại ngữ, tiền án tiền sự,… Hoàn tất bước 1 rồi, cùng chuyển qua bước tiếp theo nào.
2. Gửi hồ sơ đến CAN hoặc CCPNR
Tại đây, bạn sẽ được đánh giá phù hợp với vị trí Registered Nurse (RN) hoặc Licensed Practical Nurse (LPN). Trong thang nghề nghiệp của điều dưỡng viên, Registered Nurse sẽ làm việc dưới sự giám sát của bác sĩ và đòi hỏi sự linh hoạt cao trong công việc. Đồng thời, Registered Nurse cũng là người giám sát cả công việc của Licensed Practical Nurse.
3. Thi lấy Chứng chỉ hành nghề điều dưỡng Canada (CPNRE)
Kỳ thi này chủ yếu để kiểm tra kiến thức về Luật và các quy định trong ngành Điều dưỡng. Phí dự thi mỗi lần là $40 và nếu thi 3 lần đều không qua, bạn sẽ được yêu cầu học lại toàn bộ chương trình hoặc lựa chọn một nghề nghiệp khác. Sau khi đậu kỳ thi, bạn sẽ được hướng dẫn thủ tục để nhận chứng chỉ. Từ đây, bạn có thể chính thức xin việc được rồi.
Trên đây là những chia sẻ của Trang về du học Canada ngành điều dưỡng, hy vọng bài viết sẽ là hành trang giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho hành trình du học sắp tới.
Xem thêm: Du Học Canada Ngành Dược Điều Kiện Và Cơ Hội
Du học ngành điều dưỡng tại Canada và những câu hỏi thường gặp
1. Du học sinh quốc tế hiện tại có được học điều dưỡng ở Canada không? Trường nào còn nhận du học sinh?
Sinh viên quốc tế hiện vẫn được học Nursing tại Canada. Đại học hệ 4 năm RN thì có Ryerson University và McMaster University. Cao đẳng hệ 2 năm RPN thì bạn tham khảo George Brown, Centennial hoặc Humber. Tuy nhiên điểm vào rất cao và tuỳ từng năm một số trường sẽ limit số lượng học sinh quốc tế.
2. Học xong mình phải tự đi kiếm việc hay sẽ có bệnh viện nhận mình vào làm sau thực tập?
Cả hai luôn bạn nhé. Kỳ thực tập cuối là kỳ thực tập dài nhất, nếu may mắn thì nhiều chỗ sẽ tuyển bạn vào làm luôn với điều kiện phải thi đỗ licensing exam trong thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp. Bản thân chủ động kiếm việc ngay thì cũng sẽ cho bạn thời gian tìm việc nơi bạn muốn làm nhất + lấy được job offer nhanh hơn.
3. Muốn hành nghề điều dưỡng thì mình phải có PR đúng ko?
Để lấy license thì ko cần PR, còn làm việc thì có chỗ chỉ nhận PR holders và Canadian citizens nhé. Mình biết có vài người cũng học RPN, chỉ có PGWP và đã đi làm rồi.
4. Trong thời gian học Pre-health mình có được đi làm thêm không?
Pre-health là chương trình fulltime nên được đi làm theo luật bạn nhé, bạn được làm off campus ko quá 20h/tuần.
5. Không thích nursing thì có học được practical nursing không?
Cái này thì mình nghĩ là do khả năng từng người, có người không thích hoặc không biết mình thích hay không thì học rồi lại thích.
Có người thì ghét cay ghét đắng luôn và những người này thì khó mà học được, mà học thì cũng thấy mệt mỏi, tự dưng thành ra sẽ vất vả hơn những người học vì yêu thích.
Nếu học nursing kiểu chỉ đủ để ra trường và lấy bằng mà không có tâm huyết, không tạo được cho mình cái gì đặc biệt thì mình thấy nó không giá trị bằng việc học một ngành mình ưa thích và tạo cho mình chỗ đứng trong ngành đó.
Một cái nữa là nurse giờ cũng không thiếu nữa (đặc biệt ở thành phố lớn), nên nếu chỉ tàng tàng thì khó mà xin việc được.
6. Học nursing có gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ chuyên ngành?
Nói về rào cản ngôn ngữ thì thực tế là do khả năng tiếng Anh của international, nó ảnh hưởng đến tất cả các ngành, không riêng ngành y. Còn nói về từ chuyên môn trong ngành y thì dân local chỉ nhỉnh hơn international không nhiều.
Không nói đâu xa, ngay như trong tiếng Việt, còn có từ điển chuyên ngành y. Nhiều người Việt Nam! Không hành nghề y khi nghe nói cũng ngớ ra, Tây cũng thế thôi. Những bệnh đơn giản như đau bụng, viêm gan, tiểu đường,… do được phổ biến trong xã hội nên nhiều người biết, chứ đi vô chuyên ngành, như lupus ban đỏ, hẹp khít van tim, tâm nhĩ, tâm thất,… Nói ra thì biết chứ mấy ai hiểu.
Tài liệu tham khảo:
- Kinh Nghiệm Học Practical Nursing Của Bản Thân – Thai Le Nguyen
- Kinh nghiệm học ngành Nursing ở Canada – Daniel Nguyen
- Nursing (Ngành Y Tá / Điều Dưỡng tại Canada) – Andy Luu
Đừng quên chia sẻ bài viết này cho những ai đang cần nó và nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn cứ để lại comment trong phần bình luận phía dưới hoặc vào mục hỏi đáp AskTrang Everything đặt câu hỏi cho Trang nhé! Mến chúc bạn luôn thành công!
Nếu bạn không tìm ra được câu trả lời hay chương trình di trú phù hợp với bạn, hãy liên hệ ngay với IGC Immigration để được nhận lời khuyên từ Chuyên Viên Luật Di Trú Canada.